Thử
bàn về việc
XÂY DỰNG NHÀ SÀN VĂN HOÁ
Ở CÁC THÔN RAGLAI.
Phan Quốc Anh
Raglai là một
trong năm tộc người thuộc ngữ hệ Malayo - Polinêdi ở Việt Nam, cư trú ở các
triền núi phía tây thuộc 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, trong đó
tập trung đông nhất là ở tỉnh Ninh Thuận (trên 50%). Theo số liệu thống kê năm
1995, dân số Raglai ở Việt Nam có khoảng 85.000 người, chiếm vị trí số 21 trong
54 dân tộc ở Việt Nam. Theo số liệu của chúng tôi trong “đề tài điều tra văn
hoá phi vật thể Raglai”, ở Ninh Thuận có 50.381người, cư trú ở 72 thôn trên 24
xã thuộc 4 huyện trong tỉnh Ninh Thuận, được phân bố như sau:
Huyện Bác ái: 17.572 người, cư trú ở 9 xã, 33 thôn
(palei)
Huyện Ninh Sơn: 9.901
người, cư trú ở 6 xã, 15 thôn
Huyện Ninh Hải: 18.760
người, cư trú ở 5 xã, 20 thôn
Huyện Ninh Phước: 4.148
người, cư trú ở 4 xã, 4 thôn
Cũng như các dân tộc thiểu số vùng cao khác, người Raglai
từ bao đời nay đã hình thành nên cho mình một nền văn hoá riêng gắn với điều
kiện môi sinh của cư dân nông nghiệp nương rẫy Nam Trung Bộ. Những năm gần đây,
văn hoá Raglai đang bị mai một nhanh chóng, trong đó có nhà sàn truyền thống.
Nhà sàn truyền thống của
người Raglai được chia ra thành nhiều loại và mỗi loại có một tên gọi tương
ứng. Chữ “nhà” trong tiếng Raglai là “Sàk”, nhưng đây là từ dùng để chỉ nhà ở
bình thường. Loại nhà này sàn không cao lắm, chỉ khoảng 1,2m đến 1,4m. Còn loại
nhà sàn cao và lớn được gọi là “Pơq”; “Pơq boh” (Pơ tôh) hay “pơq pađùq” là
loại nhà sàn nhỏ để làm kho cất giữ lúa bắp. Loại nhà này thường ở ngay trên
rẫy; “Pơq sataq” là loại chòi (cũng có sàn) nhỏ dùng làm nhà giữ rẫy.
Vật liệu xây dựng nhà
sàn truyền thống của người Raglai chủ yếu là bằng những lâm sản của vùng họ cư
trú. Cột và khung sàn nhà được làm bằng các loại gỗ tốt, không bị mối mọt như
cây “guơmhen” (căm xe) làm cột, cây “Kayau xanh” làm kèo; cây lồ ô, nứa hoặc
những cây gỗ nhỏ và thẳng để làm rui mè, sàn và vách được làm bằng cây lồ ô lớn
đập dẹp, mái lợp bằng tranh. Các loại vật liệu được liên kết với nhau bằng dây
rừng như mây, giang v.v… Vài năm trở lại đây, số lượng nhà sàn ngày càng giảm,
thay vào đó là những chiếc nhà trệt lợp các loại tôn mỏng nên rất nóng.Theo
thống kê của chúng tôi trong đề tài điều tra văn hoá phi vật thể Raglai, hiện
nay vùng dồng bào Raglai ở Ninh Thuận chỉ còn 1.583 nhà sàn, trong đó có cả nhà
sàn “Pơq boh” và nhà sàn “pơq pađùq”. Số nhà sàn lớn còn lại rất ít.
Nghị Quyết Đại Hội Đảng
toàn quốc lần thứ IX đã đề ra phương hướng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở,
theo đó, đến năm 2005, phải xây dựng78 % xã, phường có nhà văn hoá. Đây là một
nhiệm vụ nặng nề, nhất là đối với một vùng còn rất nhiều khó khăn như Ninh
Thuận. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết này, các ngành các cấp cần có chủ
trương, chính sách và kê hoạch xây dựng ở mỗi thôn Raglai một nhà sàn văn hoá. Việc xây dựng nhà sàn văn hoá là làm
một việc nhưng được 3 mục đích: Một là góp phần quan trọng trong việc giữ gìn,
bảo lưu văn hoá dân tộc; Hai là đáp ứng
nhu cầu hưởng thụ và tham gia sinh hoạt văn hoá tinh thần cho người dân; Ba là
góp phần quan trọng trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hoá ở khu dân cư”, là nơi gắn kết cộng đồng, nâng cao nhận thức, dân trí.
Tuy nhiên, do tình khó khăn chung, việc xây dựng nhà sàn văn hoá ở các thôn
phải theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ một phần
kinh phí, ngành lâm nghiệp cho bà con khai thác gỗ tại chỗ và huy động công sức
của bà con để cắt tranh, chặt cây về làm nhà.
Hiện nay, toàn tỉnh Ninh
Thuận có 24 xã, 72 thôn Raglai. Dự kiến, nếu nhà nước hỗ trợ cho bà con Raglai
20 triệu đồng /1 nhà sàn sẽ hết 1.440 triệu đồng (xây dựng nhà sàn bằng gỗ tốt,
kiên cố, lâu bền, gỗ khai thác tại chỗ, số tiền trên chủ yếu là tiền công và
một số vật liệu xây dựng khác). Đây là một khoản kinh phí không nhỏ so với điều
kiện kinh tế hiện nay ở Ninh Thuận, ngoài ngân sách đầu tư của nhà nước, cần
phải huy động từ nhiều nguồn lực. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ
phát triển vùng đồng bào miền núi. Tất cả thành viên Ban chỉ đạo, gồm nhiều
ngành, nhiều doanh nghiệp trung ương và địa phương ở Ninh Thuận được phân công
trách nhiệm giúp đỡ theo địa bàn thôn Raglai. Trong những năm qua, Ban chỉ đạo
này đã đóng góp rất nhiều trong việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội vùng
đồng bào Raglai, nay cần tiếp tục đóng góp kinh phí vào việc xây dựng các nhà
sàn văn hoá. Ngoài ra, có thể kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài
nước hỗ trợ.
Nhà sàn văn hoá ở các
pơlei Raglai phải đảm bảo tính truyền thống, nhưng không nên rập khuôn theo một
mô hình chung mà tuỳ theo đặc điểm văn hoá của từng vùng, từng dân tộc. Về quy
mô phải làm sao đảm bảo phải đủ lớn để có thể hội họp sinh hoạt. Trước nhà sàn
phải có sân để sinh hoạt truyền thống. Phần sàn nối rộng trước nhà làm sao đủ
rộng để có thể tận dụng làm sân khấu biểu diễn văn nghệ. Trước sân nhà cần có
cột cờ và cây nêu truyền thống, xung quanh khu vực có hàng rào bảo vệ. Trong
nhà sàn có nơi trưng bày những công cụ lao động, nhạc cụ truyền thống và những
hiện vật di sản văn hoá, có tủ sách, khu vực đọc sách v.v…
Nhà sàn văn hoá phải là
nơi bảo tồn và phát huy sắc thái văn hoá truyền thống Raglai, là nơi tổ chức
các lễ hội cộng đồng, tổ chức uống rượu cần, hát sử thi, kể chuyện cổ, nơi sinh
hoạt văn nghệ mang tính dân gian như múa truyền thống, đánh mã la, thổi khèn
bầu, đánh đàn đá, thi hát đối đáp, hát ru và những loại hình văn nghệ dân gian
khác. Đồng thời cũng là nơi để các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy văn nghệ dân
gian cho lớp trẻ; Là nơi giáo dục, tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà
nước và các tri thức khác thông qua sách báo, các ấn phẩm văn hoá và các hoạt
động truyền thanh, truyền hình, chiếu phim lồng tiếng dân tộc; Là nơi người dân
vừa thưởng thức vừa tham gia vào các loại hình hoạt động văn hoá.
Người phụ trách, bảo
quản chính của nhà sàn văn hoá là trưởng ban vận động xây dựng thôn văn hoá,
cần mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho những cán bộ này. UBND các xã
phải quy định trách nhiệm cho các trưởng thôn về việc bảo quản, duy trì hoạt
động văn hoá, phân công người theo dõi, duy trì đọc và quản lý sách báo, duy
trì chương trình truyền thanh, truyền hình, tổ chức chiếu phim và các hoạt động
văn hoá văn nghệ khác tại nhà sàn văn hoá.
Việc xây dựng nhà sàn văn hoá cần kết hợp với
cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đối
với những thôn đã phát động xây dựng thôn văn hoá, phải xây dựng xong nhà sàn
văn hoá mới được công nhận danh hiệu “Thôn văn hoá”, “Palei văn hoá”. Đối với
những thôn chưa phát động xây dựng thôn văn hoá, phải có kế hoạch, thiết kế nhà
sàn văn hoá rồi mới được làm lễ phát động xây dựng thôn văn hoá.
Tags:
báo chí