Cần đánh thức tiềm năng du lịch nhân văn ở Ninh Thuận


Cần đánh thức tiềm năng du lịch nhân văn ở Ninh Thuận


TS. Phan Quốc Anh

Lời mở

Trong những năm qua, du lịch Ninh Thuận đã từng bước khởi sắc. Hệ thống hạ tầng ngày càng phát triển, đã xuất hiện nhiều khách sạn, resort, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trong đó có khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ 4 sao. Nhiều công ty lữ hành đã tìm đến Ninh Thuận và liên kết các tua du lịch. Từ nhiều năm nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, tiến hành xây dựng các quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, xây dựng chương trình hành động phát triển du lịch, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài nước. Nhiều dự án phát triển du lịch đã được phê duyệt. Festival Ninh Thuận 2007 “Tiềm ẩn những sắc màu” là một thành công trong quảng bá du lịch.
Tuy nhiên cho đến nay, Ninh Thuận vẫn là tỉnh chậm phát triển du lịch nhất trong khu vực. Những lợi thế ở Ninh Thuận vẫn nằm ở dạng “tiềm năng”, “tiềm ẩn”. Nhìn xung quanh, các địa phương tiếp giáp với Ninh Thuận đã có những bước phát triển du lịch mạnh mẽ như Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận).
Nhìn từ góc độ “địa du lịch”, “du lịch nhân văn”, Ninh Thuận thật sự là một vùng đất có tiềm năng.

Về “địa du lịch”

Nằm lọt giữa ba trung tâm du lịch lớn đang phát triển là Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết với cự ly tương đối tương đồng: Cách Đà Lạt 120 km, cách Nha Trang 110km, cách Phan Thiết 150 km. Ninh Thuận lại nằm trên trục đường Quốc lộ IA và đường sắt Bắc – Nam, gần sân bay quốc tế Cam Ranh và phía đông giáp biển, rất thuận lợi về giao thông trong việc phát triển du lịch.
 Đặc biệt, Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km với những dãy núi ngang ăn sát tận biển tạo nên những vũng, vịnh rất đẹp, nắng quanh năm, những bờ bãi cát trắng tinh và nước biển luôn trong xanh. Bờ biển Ninh Thuận là sự nối dài của vũng, vịnh của bờ biển cực nam Trung bộ từ vịnh Nha Trang, Cam Ranh đến nam Bình Thuận: Vịnh Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Phú Thọ, đồi cát Nam Cương, vịnh Cà Ná, là những vũng, vịnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Ninh Thuận. Bên cạnh những vũng vịnh đẹp, Ninh Thuận còn có rừng quốc gia núi Chúa với nhiều loại động thực vật quý hiếm, là một tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch trong tương lai.
Có thể nói, điều kiện “địa du lịch” của Ninh Thuận là một lợi thế về phát triển du lịch ít có địa phương nào có được.
Về du lịch nhân văn.
Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên với những lợi thế về “địa du lịch”, Ninh Thuận còn một tiềm năng rất có giá trị là du lịch nhân văn. Những lớp văn hóa lâu đời của vùng đất khá đặc trưng này đã tạo nên cho Ninh Thuận một sức hấp dẫn về du lịch nhân văn. Bên cạnh văn hóa người Kinh ở đồng bằng và ven biển, có các lớp văn hóa Chăm, văn hóa người Hoa, văn hoá Raglai với nhiều giá trị đặc sắc.
So với các địa phương có các di tích Tháp Chăm, duy nhất chỉ có ở Ninh Thuận là nơi các Tháp Chăm “còn sống”. Bởi ở những tháp Chăm nơi đây còn gắn với lễ hội của vùng người Chăm cư trú đông nhất nước. Đặc biệt, ba cụm tháp Chăm ở Ninh Thuận là nơi mà người Chăm vẫn cúng tế định kỳ hàng năm, trong đó, cụm tháp Pô Klongirai và cụm tháp Pô Rome là những quần thể kiến trúc gạch hầu như còn nguyên vẹn. Tháp Hòa Lai là một trong những phong cách được các nhà nghiên cứu đặt cho tên gọi về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đền tháp Chăm: “phong cách Hòa Lai”. Nghệ thuật điêu khắc Chăm gắn liền với những công trình kiến trúc, phục vụ cho các chức năng của mỗi công trình kiến trúc, hoặc là các tượng thờ, phù điêu, các hoa văn chạm khắc trang trí. Bên cạnh các di tích đền tháp, người Chăm ở đây còn có di sản du lịch nhân văn rất quý giá, đó là làng nghề gốm và làng nghề dệt cổ truyền. Nếu như làng nghề gốm cổ truyền Bầu Trúc còn giữ được phương pháp thủ công có lịch sử hàng nghìn năm nay với những sản phẩm gốm thô, nung lộ thiên nên độ chín chưa cao thì sản phẩm thổ cẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp lại thể hiện những hoa văn truyền thống gắn với tín ngưỡng Chăm có sắc màu rực rỡ.
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, một tiềm năng hấp dẫn khách du lịch là nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm và hệ thống lễ hội Chăm. Nghệ thuật ca múa nhạc Chăm hấp dẫn không chỉ về màu sắc trang phục, mà còn ở nội dung với sự cộng hưởng của các lớp văn hóa bản địa, văn hoá các tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác. Mặc dù công tác quảng bá chưa thật sự hiệu quả, nhưng khách trong và ngoài nước khi đến Ninh Thuận luôn yêu cầu được thưởng thức nghệ thuật ca múa nhạc Chăm.
Lễ hội Chăm thực sự là tiềm năng du lịch nhân văn nhưng chúng ta chưa khai thác hết hiệu quả của nó. Người Chăm quanh năm có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, trong đó nổi bật nhất là lễ hội Ka tê và lễ hội Ramưvan. Lễ hội Chăm hấp dẫn không chỉ bởi phần nghi lễ mà hấp dẫn cả ở phần Hội.  Bởi lễ hội Chăm luôn gắn với nghệ thuật ca múa nhạc dân gian. Có thể nói, hầu như người Chăm nào cũng biết múa, biết hát những làn điệu dân ca, làng Chăm nào cũng có đội văn nghệ cho riêng mình để tham gia vào các lễ hội.
Văn hóa của Người Kinh ở Ninh Thuận là sự nối tiếp văn hóa của các tỉnh Nam Trung bộ. Hàng chục đình, đền, chùa của người Kinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Bên cạnh những di tích tín ngưỡng tôn giáo, còn có các di tích cách mạng gắn với lịch sử kháng chiến hào hùng của quân và dân Ninh Thuận như bẫy đá Pi Năng Tắc, Núi Cà Đú, Đình Vạn Phước, các Hang động vừa đẹp vừa ghi dấu tích của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu biết khai thác, đây cũng là những điểm mà du lịch nhân văn hướng tới.
Văn hóa Raglai cũng là một trong những tiềm năng du lịch nhân văn ở Ninh Thuận. Văn hóa Raglai gắn với du lịch núi, du lịch sinh thái với hệ thống suối nước nóng Ninh Sơn, hệ thống hồ thủy lợi nhân tạo, đặc biệt là có khu bảo tồn quốc gia Núi Chúa với hàng nghìn loài sinh, thực vật quý hiếm. Bên cạnh kho tàng ca múa nhạc với những nét riêng khá đặc sắc như văn hóa cồng chiêng (mã la), khèn bầu, người Raglai ở Ninh Thuận còn có kho tàng sử thi, lễ hội khá phong phú mà các nhà hoạt động du lịch chưa để mắt đến.
Tuy người Hoa ở Ninh Thuận không nhiều nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Chùa Ông Phan Rang, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người Hoa ở Phan Rang là một ngôi chùa có kiến trúc đẹp, tọa lạc ngay trung tâm thanh phố cũng là một điểm đến của du lịch nhân văn.

Đôi điều suy nghĩ về việc khai thác du lịch nhân văn ở Ninh Thuận

Nhìn toàn cảnh, Ninh Thuận rất có nhiều lợi thế về du lịch. Những người làm du lịch ở đây cần có sự kết hợp giữa lợi thế “địa du lịch” với du lịch nhân văn. Nghị định 13 CP của Chính phủ về việc sáp nhập ngành văn hóa với ngành du lịch là một thuận lợi lớn trong việc gắn kết các lợi thế du lịch này. Tuy nhiên, sự bất cập giữa địa du lịch và du lịch nhân văn. Ngành du lịch là ngành kinh tế, mọi hoạt động từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến thiết kế các tuor đều phải tính đến lợi nhuận. Còn ngành văn hóa lâu nay chủ yếu làm công tác quản lý và bảo tồn các giá trị văn hóa. Lợi nhuận từ hoạt động văn hóa là loại lợi nhuận mang tính giá trị siêu hình. Vì vậy, cần phải tính đến sự kết hợp hài hòa sao cho vừa phát triển văn hóa, vừa phát triển du lịch nhân văn. Đôi lúc, hoạt động du lịch cũng có sự đầu tư dài hạn, có thể chưa thu được nhiều lợi nhuận trước mắt nhưng có giá trị quảng bá lâu dài. Những hoạt động giới thiệu du lịch nhân văn như đưa khách đến với các danh lam thắng cảnh, di tích đền tháp, cho khách thưởng thức nghệ thuật dân gian Chăm, Raglai, nếu cần giai đoạn đầu chưa thu lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ nhưng giá trị của nó là quảng bá. Làm sao khách du lịch hài lòng với những giá trị nhân văn của địa phương đã là một sự quảng bá có hiệu quả rồi.
Một sự phối hợp đầu tiên mà tôi muốn đề xuất với các khách sạn, các tuor du lịch là có nên thường xuyên có những đêm diễn của đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm cho khách du lịch không? Thường thì các khách sạn khi làm hợp đồng với đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm, cả hai bên đều phải cân nhắc về vấn đề kinh phí. Phía khách sạn phải tính toán đầu ra đầu vào sao cho không lỗ vốn, phía đoàn nghệ thuật cũng phải tính toán làm sao đủ chi phí xăng xe vận chuyển, khấu hao âm thanh ánh sáng và tiền bồi dưỡng diễn viên. Trong đó, chi phí vận chuyển và chi phí âm thanh ánh sáng chiếm tỷ lệ khá cao (vì Đoàn Chăm chưa có xe, phải đi thuê) nên đội giá lên cao. Nên chăng các khách sạn có sẵn sân khấu, âm thanh ánh sáng, các diễn viên chỉ cần đi xe máy cá nhân đến biểu diễn những chương trình gọn nhẹ theo kiểu chạy show. Nếu làm như vậy, một đêm diễn viên đoàn Chăm có thể biểu diễn 2 đến 3 điểm vì hấu hết các nhà hàng, khách sạn của chúng ta đều gần nhau. Làm như vậy, không chỉ thu hút diễn viên chuyên nghiệp của Đoàn Chăm mà có thể thu hút một số nghệ nhân ở các làng Chăm (như kiểu của khu di tích Mỹ Sơn, thuê nghệ nhân từ Ninh Thuận ra làm nòng cốt cho đội nghệ thuật Mỹ Sơn và biểu diễn thường xuyên cho khách).
Còn rất nhiều những ý tưởng để ngành du lịch khai thác lợi thế về du lịch nhân văn ở Ninh Thuận. Do thời lượng có hạn, chúng tôi chỉ xin trình bày một số suy nghĩ về khai thác du lịch nhân văn ở Ninh Thuận.
Xin trân trọng cảm ơn!
PQA – Phan Rang 2002




văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn