Phan rang ngày ấy...bây
giờ.
Tôi còn nhớ, khi có quyết định chia tỉnh, các cơ quan ở
Phan Thiết xôn xao. Ai đi, ai ở? Đa số cán bộ công nhân viên đã ổn định gia
thất đều không muốn ra đi. Chỉ có những người quê ở Ninh Thuận hoặc có gia
đình, người thân ở đó, hoặc đã gắn bó một chút gì ở xứ nắng xứ gió Phan Rang
mới xung phong ra tỉnh mới. Có rất nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau để người ta
phải đắn đo suy nghĩ. Dù sao, Phan thiết cũng có khí hậu ôn hòa hơn, gần thành
phố Hồ Chí Minh hơn. Còn Phan Rang, Ninh Thuận, một vùng đầy nắng và đầy gió,
“gió như phang và nắng như rang”. Thậm chí, có người còn gọi Phan Rang là nơi
“tàn phá sắc đẹp” của chị em. Hơn nữa, Ninh Thuận là một tỉnh nông nghiệp quá
nhỏ, còn quá nghèo. Bởi vậy, số lượng người đăng ký ra tỉnh mới không nhiều.
Tôi là một trong người trong số “không nhiều” ấy. Còn nhớ những ngày đầu, để
lại vợ con ở Phan Thiết, xách chiếc ba lô, lên xe đò ra Phan Rang. Ngày ấy
đường sá thật xấu. Từ Phan Thiết ra Phan Rang mất gần một ngày. Vất vả đấy nhưng
trong lòng có cảm giác hào hứng như ngày xưa vác ba lô vào quân ngũ vậy.
Mới đó mà đã mười năm. Mười năm thật không nhỏ đối với
một đời người. Bức tranh nghèo của Ninh Thuận mười năm trước đang lùi dần vào
dĩ vãng. Ngày ấy Phan Rang, một phố thị nhỏ với những con đường nhỏ không vỉa
hè ngoằn ngoèo cắt chéo thành những khu tam giác, le lói những ngọn đèn đường
yếu điện. Những dãy nhà thấp le tè tưởng như phố cổ rêu phong, chưa tối đã tắt
đèn. Biết bao người đã bỏ xứ ra đi. Ấy vậy mà hôm nay, dẫu chưa hoành tráng lắm
nhưng những buổi chiều tà dạo xe trên những con phố mới thả hồn theo gió, ngắm
nhìn những ngôi nhà cao tầng ngợp trong ánh nắng, ngắm bờ biển xanh ngăn ngắt
với những khu du lịch, khu vui chơi giải trí đang mọc lên san sát, lòng cũng
thấy yêu phố thị mình nhiều hơn. Dù ai còn muốn ra đi cũng sẽ phải ngần ngừ,
luyến tiếc. Rồi không bao lâu nữa, câu hát “Phan Rang phố thị” phải lùi vào dĩ
vãng, nhường cho bài ca Thành phố trẻ Phan Rang.
Tôi may mắn được đi nhiều
nơi, quan sát nhiều thị xã của nhiều tỉnh nhỏ cũng mới tái lập và cũng còn
nhiều khó khăn như Ninh Thuận chúng ta. Mặc dù, như người ta nói “ta về ta tắm
ao ta”, nhưng đôi lúc trong lòng cũng gợn lên một chút ghen tỵ. Một số thị xã
quy hoạch rất đẹp, nhiều công trình văn hóa cộng đồng như Trung tâm văn hóa,
công viên, quảng trường, tượng đài rất hoành tráng. Những tỉnh mới tái lập như
Quảng Nam, Hà Tĩnh cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng Trung Tâm văn hóa tới hơn
hai mươi lăm tỷ đồng. Còn chúng ta thì sao, Trung tâm văn hóa tỉnh ngự trên một
địa thế đẹp nhất thị xã, với diện tích lý tưởng, nhìn ngoài vào trông thật
hoành tráng nhưng sân khấu biểu diễn chỉ có hơn bốn trăm chỗ ngồi, rất khó cho
việc tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những năm trước, Phan Rang là một địa
điểm lý tưởng cho các Đoàn biểu diễn nghệ thuật, khán giả Phan Rang rất yêu
nghệ thuật. Khi rạp Mười Sáu Tháng Tư chưa xuống cấp, mỗi khi có Đoàn về diễn,
một nghìn bốn trăm ghế luôn luôn bán hết vé. Nhưng hôm nay, Phan Rang chưa có
một nơi nào có đủ tiêu chuẩn để thu hút các Đoàn, các ngôi sao ca nhạc về biểu
diễn. Một nguyên lý cơ bản của các nhà tổ chức biểu diễn là phải thu được lợi
nhuận, phải bán được nhiều vé để trả tiền catsê cho ca sỹ, cho ban nhạc. Ngành
văn hóa thông tin tỉnh nhà cũng đã kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây
dựng nhà hát ngoài trời nhưng chưa có nhà đầu tư nào dám mạnh dạn bỏ vốn đầu
tư. Hầu hết vốn liếng trong dân tập trung vào nuôi tôm và các loại hình kinh tế
khác. May sao còn có một Hoàn Cầu dám mạnh dạn xây dựng sân khấu biểu diễn
trong khu du lịch của mình. Nhưng dù sao, đó vẫn không phải là khu vực trung
tâm thị xã.
Một vấn đề cũng thuộc lĩnh
vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đó là khoảng trống đất đai để xây dựng các sân
chơi trong các khu dân cư. Các em thiếu nhi không có nơi chạy nhảy, đá bóng.
Các cụ già không có nơi để tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng. Hầu hết các phường
chưa có nhà văn hóa, khu sinh hoạt. Những đường phố chúng ta còn quá thiếu bóng
cây xanh. Thiết nghĩ, với vùng thừa nắng thiếu mưa như phố thị Phan Rang, phải
nghiên cứu trồng cây gì cho phù hợp. Chúng ta trồng cây đã gần mười năm, nhưng
cây vẫn không chịu lớn, không cho bóng mát. Trong sân một số trường học, các em
chịu phơi mình trong cái nắng như thiêu như đốt. Ngay cả công viên mới trên
đường Mười Sáu Tháng Tư, không biết bao giờ mới có bóng cây nếu chúng ta cứ
trồng cây theo kiểu bây giờ.
Có lẽ không thị xã nào
nhiều quán cà phê mà vẫn đông khách như Phan Rang. Phải nói rằng, cà phê Phan
Rang rất ngon, rất nổi tiếng, nhiều du khách ngợi khen. Nhưng cà phê cũng là
nơi tiêu tốn rất nhiều thì giờ, nhất là đối với lớp trẻ. Đó là nói đến những
quán cà phê “trong sáng”, còn những quán cà phê vườn đèn mờ, quán karaoke trá
hình, tuy chưa phải là vấn đề lớn như nhiều nơi khác nhưng cũng là mối lo ngại
đối với những người làm cha làm mẹ, và cả những người làm vợ nữa.
Nhưng dù sao, đối với một
tỉnh còn rất nhiều khó khăn như Ninh Thuận, có được sự phát triển vượt bậc như
hôm nay là một niềm tự hào. Có lẽ những người hàng ngày ở Phan Rang khó thấy
được sự phát triển ấy. Nhưng những người lâu ngày về lại Phan Rang đều khen thị
xã phát triển nhanh và đẹp. Chúng ta ở điểm xuất phát thấp, điều kiện phát
triển kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn. Có được những thành tựu như hôm
nay là một sự cố gắng lớn của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận nói chung và Phan
Rang nói riêng. Phan Rang đang trên con đường xay dựng để trở thành thành phố.
Những công trình đang mọc lên kế tiếp nhau, và những con người thị xã cũng đang
hàng ngày, hàng giờ góp công góp sức để xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn
minh.
Phan Rang Tháng Tư 2002
Phan Quốc Anh
Tags:
báo chí