BÀN VỀ “TẾT” NĂM MỚI CỦA NGƯỜI RAGLAI


BÀN VỀ “TẾT” NĂM MỚI

CỦA NGƯỜI RAGLAI

Phan Quốc Anh

Vào dịp năm mới, các dân tộc đều có tết cổ truyền của mình. Thế nhưng, đã từ lâu, người Raglai không ăn tết. Những già làng Raglai kể, trước kia, từ xa xưa, xưa lắm rồi, người Raglai không còn nhớ nữa, người Raglai cũng có cái tết, mà hình như, đó chính là lễ ăn đầu lúa mà người Raglai còn tổ chức hàng năm, nhưng hiện nay đó chỉ còn là một cái lễ không lớn như tết Nguyên Đán của người Kinh hay lễ hội Katê của người Chăm. Sau khi thành lập huyện mới Bác Ái với trên 95% dân số là người Raglai, trong khi  các dân tộc khác vui vẻ đón tết thì bà con Raglai vẫn lên rẫy, vì vậy, Tỉnh Uỷ Ninh Thuận đã có thông tri chỉ đạo tổ chức cho bà con Raglai ăn tết Nguyên Đán, nhưng về lâu dài, Tỉnh uỷ giao cho các cơ quan chức năng, trong đó có Sở VHTT,  nghiên cứu, tìm lại và khôi phục một cách có chọn lọc một số lễ hội của người Raglai, trong đó có lễ đón năm mới truyền thống, mang bản sắc văn hóa Raglai từ ngàn xưa.
Theo giả thuyết của một số nhà khoa học thì các cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo có nguồn gốc từ vùng Hải Đảo di cư vào đất liền từ rất xa xưa. Ngoài minh chứng là cùng ngữ hệ, các dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ Malayo-polinésien ở Tây Nguyên đều có các mảnh vụn văn hóa biển như hình thuyền trên Kago trong lễ bỏ mả, tục thờ thần biển, lễ hội đâm trâu, chém trâu, các câu chuyện mang yếu tố biển được hát kể trong các pho sử thi Tây nguyên v.v… Có nhà khoa học còn đặt ra giả thuyết rằng người Raglai là người “Chăm núi”, từ xa xưa, không tiếp nhận tôn giáo Ấn Độ như người Chăm ở đồng bằng mà giữ nguyên yếu tố văn hoá nguyên thuỷ của mình. Bởi vậy, có rất nhiều mảnh vụn của văn hoá bản địa Chăm hôm nay chứa đựng văn hoá cổ truyền Raglai. Ngay tên gọi “Raglai”, theo ngôn ngữ Malayo - Polinesien có nghĩa là “người ở rừng” hay “người ở núi” (Orang là người, Rlai là rừng). Về mối quan hệ tộc người giữa Chăm và Raglai còn phải nghiên cứu nhiều. Người Raglai cho đến nay vẫn giữ y trang của các vua Chăm như Pô Rô Mê, Pô Klongirai, mẹ xứ sở Pô I Nưgar, đến ngày lễ hội Katê người Chăm phải lên núi làm lễ cúng, đón đoàn người Raglai đánh mã la, thổi khèn bầu và múa đưa y trang xuống để lên tháp làm lễ. Đây là một hiện tượng chưa giải thích được về mối quan hệ giữa Chăm - Raglai. Theo Litanna trong công trình “Xứ Đàng trong” thì nêu giả thuyết về một vương quốc Chăm Pa đa dân tộc, bao gồm cả các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có người Raglai1
Người Raglai sinh sống ở vùng núi cao kéo dài từ miền tây tỉnh Khánh Hòa qua vùng núi phía tây tỉnh Ninh Thuận và Bình thuận. Trong đó, cộng đồng dân tộc Raglai đông nhất tập trung ở tỉnh Ninh Thuận (khoảng 45.000) trong tổng số hơn 85.000 người Raglai ở Việt Nam. Dân số Raglai đứng hàng thứ tư trong số năm dân tộc thuộc khối ngữ hệ Malayo-pôlinêsien và hàng thứ 21 trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Do điều kiện sinh sống và các yếu tố giao lưu, giao thoa văn hóa, người Raglai có nhiều nét văn hóa tương đồng với văn hóa các dân tộc Tây nguyên, tiếp biến một phần không nhỏ văn hóa của người Chăm và người Kinh. Đặc biệt, những năm kháng chiến lâu dài, đồng cam cộng khổ với cách mạng, một mặt người Raglai tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa tiến bộ của các dân tộc khác, một mặt cũng khó có điều kiện khôi phục lại các lễ hội, phong tục tập quán truyền thống nên bị mai một khá nhiều.
Để đi tìm “tết” năm mới của người Raglai, trước hết cần xem xét các yếu tố về lịch pháp và thời tiết. Lễ hội đầu năm hay tết năm mới là sự “Tống cựu nghêng tân”, là sự tiễn biệt năm cũ, đón năm mới đến và vì vậy, nó được căn cứ theo lịch pháp của mỗi dân tộc. Các dân tộc ở phương Tây căn cứ vào công lịch (dương lịch) để tính thời gian và họ đón năm mới vào ngày 1 tháng 1. Đa số các dân tộc ở phương Đông tính lịch theo trăng (âm lịch). Các cư dân Đông Nam  Á ảnh hưởng 2 dòng văn hóa là văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ, vì vậy Đông Nam Á mới bị phương Tây đặt cho cái tên là Indo-chines (Ấn –Trung) và trong các cổ sử đều gọi các quốc gia này là Ấn Độ  hóa và Trung Hoa hóa. Trong các dân tộc chịu ảnh hưởng của lịch Saka của Ấn Độ có các dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo-polinésien như Chăm, Raglai, Chu Ru, Ê đê, Giarai và một số dân tộc Nam Đông nam á khác. Một tháng theo lịch Sa ka cũng tính theo mặt trăng, còn năm thì tính theo các vì sao. Về thời tiết thì lúc này sao Rua (tua rua) xuất hiện và là lúc kết thúc mùa khô, chuẩn bị đón mùa mưa tới, và đối với các cư dân văn minh nông nghiệp lúa nước Đông Nam á, mùa mưa cực kỳ quan trọng. Từ đây dẫn đến các lễ hội cầu đảo, cầu mưa, cầu các thần linh liên quan đến nông nghiệp lúa nước như cúng thần nông, cúng hồn lúa, bắp, cầu thần sông, thần suối, thần cây, thần núi…và thú dữ không về phá hoại mùa màng. Không phải ngẫu nhiên mà các cư dân nông nghiệp Đông Nam Á lại có quan niệm về năm mới là lễ hội chuyển mùa, giống nhau về thời gian và các nghi lễ. Có thể kể ra đây một số lễ hội được coi là lễ hội chuyển mùa và đón năm mới của một số dân tộc cận cư với người Raglai: Tết năm mới Soong Kran của người Thái ở Thái Lan, Tết năm mới Bun Pi May (hốt nậm) của Lào, tết Chon Chnam thmây của người Khơme và tết Thagyamin của người Myanma. Riêng đối với dân tộc Chăm, có nhiều người cho rằng người Chăm có “tết” Katê, thực ra Katê chỉ là lễ cúng nhân thần, lễ hội giữa năm, vào 1 tháng 7 lịch Chăm và chủ yếu dành cho người Chăm Balamôn nên không phải là tết năm mới, tết năm mới của người Chăm xa xưa chính là lễ hội Ri Ja Nưgar diễn ra vào đầu năm theo lịch Chăm, thực ra, người Chăm cũng đã và đang dần quên đi “tết” năm mới của mình và đã coi Katê như là “tết”. Trong những lễ hội đầu năm của các dân tộc nói trên đều có nghi  lễ cầu mưa hoặc té nước, thậm chí có múa phồn thực để cầu sự sinh sôi nảy nở. Đặc biệt, thời gian các “tết” năm mới của các dân tộc này đều trùng nhau vào thời điểm chuyển mùa (khoảng đầu năm theo lịch Chăm và vào khoảng tháng tư dương lịch) và cũng chính là thời gian bà con Raglai làm lễ ăn lúa mới. (băng akok najai)
Như vậy về mặt thời gian hay lịch nông nghiệp, lễ ăn lúa mới của người Raglai trùng với tết năm mới của các cư dân cận cư ở vùng Đông Nam  Á.
Về nghi lễ, người Raglai cũng quan niệm lễ ăn lúa mới là lễ hội đầu năm. Khi tiếng sấm vang lên, người Raglai cho đó là tiếng sấm khai thông đất trời, là một sự chuyển mùa từ mùa khô qua mùa mưa, từ năm cũ qua năm mới, đất trời sẽ đầy mưa, mát mẻ, là sự đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở của muôn vật, trong đó có các nông sản nuôi sống con người như lúa, bắp.  Cũng như các lễ hội của các dân tộc khác, lễ ăn lúa mới cũng có phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ đổ nước vào ché rượu cần, lễ cúng chính, lễ cúng thần lúa bắp. Lễ vật bắt buộc phải có một con gà hay một con anu (lúi cúi) mà người Raglai quan niệm là con vật theo đất, 3 ché rượu cần, tục này đã trở thành thành ngữ: “Rượu cần 3 ché, 1 con thịt”. Ngoài ra còn có các nông sản như cua, cơm, canh v.v… Các đồ đạc được bày ra trên nhà sàn như chiết đựng y trang, đồ trang sức như xâu chuỗi, cườm, vòng đeo cổ, đeo tay, nhẫn, cà rá, ghè, ché, nồi đồng… và các nhạc cụ như mã la, chiêng, trống, đàn chapi, tarakel…để tế thần linh. Người Raglai cũng như các cư dân nông nghiệp Đông Nam á khác, đều cúng hồn lúa, hồn bắp, quan niệm rằng lúa là con gái, bắp là con trai (tư liệu từ hát kể của người Raglai).
Phần hội gồm có lễ múa mừng thần linh, hội múa sinh hoạt và hội hát dân gian gồm các nghệ nhân sử dụng khèn bầu, kèn môi, sáo ống, chiêng, trống, mã la v.v…Lễ ăn lúa mới có sức hút cộng đồng rất lớn. Mọi người cũng thăm hỏi, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất và bước vào một vụ lúa bắp mới, lễ có khi kéo dài cả tháng.
Qua tham khảo tư liệu khoa học và đi diền dã tìm hiểu một số bà con Raglai, có thể bước đầu nhận định lễ ăn lúa mới của người Raglai hiện nay chính có nguồn gốc xa xưa  là “tết” năm mới, không chỉ của riêng dân tộc Raglai mà của một số dân tộc Đông Nam Á khác như Thái Lan, Lào, Khơme, Mianma và ngay cả đối với dân tộc gần gũi nhất là người Chăm. Sở Văn hóa thông tin đã bước đầu khảo sát và nghiên cứu các lễ hội dân tộc Raglai nhưng để kết luận vấn đề này, cần phải có sự nghiên cứu sâu và được các nhà khoa học công nhận. Hiện nay, ngành văn hóa thông tin đang lập dự án tổng kiểm kê văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Raglai ở Ninh Thuận, từ đó mới có kế hoạch sưu tầm nghiên cứu văn hóa Raglai một cách có khoa học và hiệu quả.
Để nghiên cứu lễ ăn lúa mới và khôi phục nó trở thành một cái “tết”năm mới cho dân tộc Raglai hay không là cả một vấn đề lớn. Trước mắt, với sự chỉ đạo của Tỉnh Uỷ Ninh Thuận, cần làm sao tổ chức cho bà con tổ chức ăn tết Nguyên đán và đón một năm mới vui tươi, phấn khởi và hạnh phúc vì cũng đã hàng bao chục năm nay, bà con Raglai đã gắn bó với cách mạng và đã tiếp biến nhiều giá trị văn hóa mới. Tuy nhiên, chính những lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc đều chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa quí báu mà không phải sưu tầm, nghiên cứu và hiểu được ngay những giá trị, và chính những giá trị văn hóa ấy đã khẳng định bản sắc văn hóa, tạo nên gương mặt riêng của mỗi một dân tộc. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chắt lọc tìm ra những luận cứ, luận chứng tham mưu cho các cấp lãnh đạo xây dựng những đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn nhất.






1 Litanna “Xø §µng trong, trang 23.
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn