BẢN NHẬN XÉT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CẤP TRƯỜNG Phạm Văn Phương

 

  TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH

PHÒNG ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

BẢN NHẬN XÉT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CẤP TRƯỜNG

 

1. Thông tin về người nhận xét:

- Họ và tên: Phan Quốc Anh

- Chức danh khoa học: PGS - Năm phong: 2019

- Học vị: Tiến sĩ

- Ngành/chuyên ngành:Văn hóa học

- Đơn vị công tác: Đại học Văn hóa Tp Hồ Chí Minh

- Trách nhiệm trong Hội đồng: Phản biện 2

2. Thông tin về luận án tiến sĩ:

- Họ và tên: Phạm Văn Phương                           Mã số NCS: 101011504

- Ngành: Văn hóa học                                           Mã ngành: 9229040

- Tên đề tài: Tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc Trần Văn Thành ở tỉnh An Giang

          Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Nguyễn Chí Bền

 

Sau khi đọc xong luận án, tôi có một số ý kiến nhận xét sau:

1/ Chất lượng phần tổng quan tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài luận án

Luận án có 93 tài liệu tham khảo, 80 tài liệu tiếng Việt, 07 tài liệu tham khảo là tiếng nước ngoài, 06 tài liệu tham khảo trên mạng internet.

Phần Tổng quan tình hình nghiên cứu (tr.9) được NCS dành một dung lượng 9 trang.

Tác giả cũng đã chia thành 3 nhóm công trình gồm: 1. Nhóm công trình lịch sử văn hóa và con người Nam Bộ, 2. Nhóm công trình nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội Nam Bộ. 3. Nhóm công trình nghiên cứu về tỉnh An Giang và nhân vật lịch sử Trần Văn Thành. Cuối cùng, tác giả đã có mục đánh giá về tổng quan tình hình nghiên cứu.

Tuy nhiên, số lượng các công trình tác giả đưa vào phân tích, đánh giá khá khiêm tốn. Ở Nhóm công trình 1, tác giả phân tích 9 công trình, nhóm 2 có 6 công trình, nhóm 3 có 9 công trình. Tổng cộng là 24 công trình. Như vậy là khá khiêm tốn so với danh mục 93 tài liệu tham khảo.

Cần thiết bổ sung được một số TLTK về tín ngưỡng thờ các nhân thần – anh hùng dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam và các anh hùng khác ở Nam Bộ và ở Việt Nam để so sánh làm nổi bật tín ngưỡng thờ nhân – thần Trần Văn Thành. Tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh mới chỉ trong tỉnh An Giang là khá hẹp

Nên bổ sung những TLTK là những tác phẩm văn học nghệ thuật: Thơ, ca, hò, vè những tác phẩm sân khấu cải lương, hát bội về nhân vật anh hùng dân tộc Trần Văn Thành và có sự so sánh với các nhân vật anh hùng kháng Pháp nêu trên.

Nên bổ sung một số công trình trong nhóm các công trình nghiên cứu chung về lý thuyết, tín ngưỡng, lễ hội, có thể bổ sung thêm một số công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ nhân thần, thờ anh hùng và các tư liệu về các tôn giáo địa phương.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

2/ Sự cần thiết của đề tài luận án, sự phù hợp của đề tài luận án với ngành đào tạo

a) Sự cần thiết của luận án

Con người Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, có truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn, luôn biết ơn tổ tiên nguồn cội đã dựng nước và giữ nước, nhớ ơn những anh hùng đã xả thân vì nghĩa, vì đất nước. Khi họ hy sinh, nhân dân luôn nhớ ơn, thờ phụng, trở thành những nhân vật huyển thoại. Việc tôn thờ, tri ân những người có công với nước, với dân và xây dựng các cơ sở thờ tự, tổ chức các lễ hội gắn với đối tượng thờ phượng là truyền thống lâu đời và mang nhiều giá trị văn hóa. Với ý nghĩa đó, luận án “Tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc Trần Văn Thành ở tỉnh An Giang” là một công trình nghiên cứu cần thiết, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của nhân dân, chứa đựng giá trị nhân văn, giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Hiện tượng tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc Trần Văn Thành chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, đúc kết những giá trị văn hóa để bảo tồn, phát huy tinh thần yêu nước, sống có đạo lý, nghĩa tình là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn xây dựng văn hóa con người Việt Nam hiện nay.

b) Sự phù hợp giữa tên đề tài với chuyên ngành đào tạo.

Tên đề tài phù hợp với chuyên ngành đào tạo, với mã ngành văn hóa học.

3/ Sự trùng lắp của đề tài luận án so với công trình khoa học khác đã công bố         

Qua đọc phần Tổng quan tình hình nghiên cứu vấn đề và qua khảo sát thực tiễn các tài liệu, nội dung đề tài luận án không trùng lắp với các công trình khoa học đã công bố.

4/ Sự phù hợp phương pháp nghiên cứu, độ tin cậy của các kết quả đạt được

Về hướng tiếp cận, tác giả nêu lên hướng tiếp cận liên ngành trong văn hóa học, trong đó đề cập đến sử học, tôn giáo học và xã hội học kết hợp cùng các phương pháp phân tích tổng hợp và phương pháp nghiên cứu xã hội học là phù hợp.

Tuy  nhiên, tác giả chưa đưa ra số phiếu điều tra xã hội học nên mới chỉ dừng lại ở phương pháp nghiên cứu định tính.

5/ Những đóng góp mới có giá trị về lý thuyết hoặc thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu của luận án

          Tác giả cần nêu rõ hơn những đóng góp mới về mặt lý thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ nhân - thần, thờ anh hùng dân tộc nói chung và tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành nói riêng.

Về ý nghĩa thực tiễn, nên bổ sung các giá trị của tín ngưỡng thờ anh hùng chống giặc ngoại xâm trong ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ, về xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong bối cảnh xã hội đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng lãng quên quá khứ.

 

6/ Tính trung thực, minh bạch trong trích dẫn tư liệu

Chưa phát hiện sai sót, thiếu trung thực và minh bạch trong trích dẫn tư liệu

7/ Góp ý các thiếu sót về hình thức, nội dung của luận án mà nghiên cứu sinh cần chỉnh sửa, bổ sung7

a)    Về hình thức:        

Luận án có 135 trang, phần Mở đầu 8 trang, Tài liệu tham khảo 8 trang.

Nếu trừ phần Mở đầu và TLTK, luận án có 119 trang.

Tuy đáp ứng yêu cầu của một luận án tiến sĩ nhưng dung lượng đối với đề tài này là khá khiêm tốn.

Về bố cục: Chương 1: 21 tr, Chương 2: 48 tr, Chương 3: 38 tr. Kết luận 3 tr.

Phần Phụ lục 43 trang. Trong đó Phụ lục 1 hình ảnh 19 trang. Phụ lục 2 Câu hỏi phỏng vấn 3tr. Phụ lục 3: Trích biên bản phỏng vấn 14 tr với 9 biên bản phỏng vấn. Phụ lục 4: Bảng biểu 1 số cơ sở thờ Trần Văn Thành; Phụ lục 5: Các bài văn cúng,

Có thể thấy phụ lục hình ảnh khá nhiều nhưng số lượng biên bản phỏng vấn quá ít. Không có phiếu điều tra xã hội học.

Nhận xét chung: Về hình thức trình bày của luận án đáp ứng yêu cầu. Văn phong khoa học, ít lỗi trình bày.

Lỗi kỹ thuật ở trang 40 “Mặc dù câu chuyện về sự ra đi của ông Trần Văn Thành trong trận đánh Pháp năm 1973 (phải là 1873)”.

b)    Về nội dung:

Ưu điểm

Nội dung luận án tập trung nghiên cứu khá đầy đặn về tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc Trần Văn Thành. Tuy dung lượng không lớn nhưng vẫn cô đọng đầy đủ những yêu cầu về nội dung. Các chương, mục của luận án đáp ứng được mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, làm rõ được nguồn gốc, đặc điểm, vai trò, giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành. Các luận điểm được trình bày rõ ràng, rành mạch, khúc chiết và các được minh chứng bởi những luận cứ khá chặt chẽ.

Luận án đã dành một dung lượng khá lớn trong việc so sánh tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành với tín ngưỡng thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu và Nguyễn Trung Trực ở An Giang.

Luận án cũng đã nêu bật được vai trò của tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành đối với người dân tỉnh An Giang.

Nhược điểm

Nhược điểm chính của luận án này là diễn trình biến đổi của tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành theo thời gian và trong không gian. Thời gian nghiên cứu của Luận Án là từ năm 2014 đến nay. Lý do là năm 2014, Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học về Nhân vật lịch sử Trần Văn Thành. Bên cạnh thời gian nghiên cứu – thực ra là thời gian khảo sát, luận án còn ngược dòng lịch sử nghiên cứu theo lịch đại để làm rõ nguồn gốc tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành. Nhưng thời gian nghiên cứu không được thể hiện rõ trong kết quả điều tra, khảo sát xã hội học để tìm ra sự biến đổi của tín ngưỡng này. Trong thực tế, tín ngưỡng thờ anh hùng nói chung, tín ngưỡng thờ anh hùng Trần Văn Thành nói riêng luôn có sự biến đổi, biển đổi cả về niềm tin, quy trình, phạm vi, quy mô thực hành lễ nghi. Nội dung này chưa được thể hiện trong luận án qua các phương pháp nghiên cứu mà tác giả đã đề ra.

Tác giả mới chỉ so sánh tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành với các tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc khác ở An Giang, chưa so sánh sự thay đổi tín ngưỡng theo chiều thời gian.

Luận án chỉ có 9 biên bản khảo sát nên khó có thể thông qua đó gọi là kết quả điểu tra xã hội học.

Nếu tác giả không thực hiện phát phiếu điều tra xã hội học, cần phải tăng thêm số lượng và chất lượng biên bản phỏng vấn để đảm bảo tính khách quan trong nghiên cứu khoa học.

8/ Kết luận: Mức độ đáp ứng yêu cầu của luận án tiến sĩ

Mặc dù còn nhiều mục, tiểu mục cần chỉnh sửa, nhưng luận án đã đáp ứng yêu cầu của một luận án tiến sỹ. NCS cần nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng cơ sở và ý kiến của người hướng dẫn để chỉnh sửa hoàn thiện luận án.

Câu hỏi

1. Tín ngưỡng thờ Trần Văn Thành thay đổi như thế nào từ trước năm 2014 đến nay?

2. Tỷ lệ người dân tham gia các lễ hội thờ Trần Văn Thành tăng hay giảm trong những năm gần đây?

 

 

Trà Vinh, ngày 07 tháng 01 năm 2023

Người nhận xét

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

 

                                                                               Phan Quốc Anh

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn