BẢN NHẬN XÉT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CẤP CƠ SỞ Hồ Thanh Hải

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH

PHÒNG ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

BẢN NHẬN XÉT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CẤP CƠ SỞ

1. Thông tin về người nhận xét:

- Họ và tên: Phan Quốc Anh

- Chức danh khoa học: PGS            Năm phong 2019     Học vị: Tiến sĩ

- Ngành/chuyên ngành: Văn hóa học

- Đơn vị công tác: Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh

- Trách nhiệm trong Hội đồng: Ủy viên



2. Thông tin về luận án tiến sĩ:

- Họ và tên: Hồ Thanh Hải                        Mã số NCS: 101011510

- Ngành: Văn hóa học

- Tên đề tài luận án: Văn hóa kinh doanh của người Hoa tỉnh Sóc Trăng

- Người hướng dẫn chính: GS.TS Ngô Văn Lệ

Sau khi đọc xong luận án, tôi có một số ý kiến nhận xét sau:

1/ Chất lượng phần tổng quan tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài luận án

Phần tổng quan tình hình nghiên cứu được tác giả dành dung lượng 11 tr (từ tr 25-36), tác giả chia làm 2 nhóm lớn. trong mỗi nhóm lớn có 2 nhóm nhỏ.

Nhóm 1 (mục 1.3.1.) Các nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam

Mục 1.3.1.1. Các nghiên cứu về dân số, dân cư người Hoa và hoạt động kinh tế (16 công trình)

Mục 1.3.1.2. Các nghiên cứu về phong tục tập quán, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa (13 công trình).

Nhóm 2. Mục 1.3.2. các nghiên cứu về văn hóa kinh doanh

1.3.2.1. Nghiên cứu chung về văn hóa kinh doanh thế giới và đặc trưng văn hóa kinh doanh của một số quốc gia

1.3.2.2. Các nghiên cứu về văn hóa kinh doanh của người Hoa ở Việt Nam.

Nhìn chung, cách chia nhóm như vậy là phù hợp. Các tài liệu tác giả sưu tầm và phân tích là sát với yêu cầu tổng quan lịch sử vấn đề nghiên cứu của Luận án.

Tuy nhiên, cần sắp xếp lại tổng quan tài liệu theo thứ tự thời gian. Trong phần trình bày của NCS hơi bị ngược theo chiều thời gian.

Phần Tổng quan nghiên cứu cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

2/ Sự cần thiết của đề tài luận án, sự phù hợp của đề tài luận án với ngành đào tạo

a)     Sự cần thiết của luận án:

Nghiên cứu về văn hóa kinh doanh của người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng là cần thiết. Người Hoa ở Việt Nam chủ yếu làm nghề kinh doanh, buôn bán và có trình độ cao về nghề này đến mức có thể nói là nghệ thuật kinh doanh mà người Việt cần học hỏi.

b)     Sự phù hợp giữa tên đề tài với chuyên ngành đào tạo

Tên đề tài phù hợp với chuyên ngành đào tạo, mã ngành Văn hóa học

3/ Sự trùng lắp của đề tài luận án so với công trình khoa học khác đã công bố     

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa kinh doanh ở nhiều mã ngành khác nhau. Nhưng nghiên cứu về văn hóa kinh doanh của người Hoa tỉnh Sóc Trăng không trùng lắp với các công trình đã công bố

4/ Sự phù hợp phương pháp nghiên cứu, độ tin cậy của các kết quả đạt được

Tác giả sử dụng 3 lý thuyết nghiên cứu

- Lý thuyết giao lưu, tiếp biến

- Lý thuyết sinh thái văn hóa

- Lý thuyết lựa chọn duy lý

Theo phản biện, NCS sử dụng lý thuyết sinh thái văn hóa không sai nhưng không phù hợp và không cần thiết đối với luận án này. Nên chăng chọn 1 trong các lý thuyết xã hội học như Thuyết Cấu trúc, chức năng, thuyết xung đột, thuyết tương tác, thuyết trao đổi.

NCS có vận dụng các lý thuyết nghiên cứu và nội dung các chương của luận án. Tuy nhiên, việc vận dụng các thuyết nghiên cứu vào luận án chưa nhiều và chưa rõ.

Về phương pháp nghiên cứu. Đây là một đề tài luận án mã ngành văn hóa học, nhưng tên đề tài có gắn với kinh doanh – một hoạt động kinh tế, vì vậy, nên có liên ngành với một lĩnh vực kinh tế, nghệ thuật kinh doanh, buôn bán. Nếu chỉ liên ngành với dân tộc học không là chưa đủ.

            Phương pháp phỏng vấn – với một đề tài khá rộng, nếu chỉ phỏng vấn 16 người có ít không?

5/ Những đóng góp mới có giá trị về lý thuyết hoặc thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu của luận án

Nên phân chia đóng góp về mặt lý luận và đóng góp về mặt thực tiễn.

6/ Tính trung thực, minh bạch trong trích dẫn tư liệu

Về trích dẫn: Đối với luận án tiến sĩ, nên trích dẫn trực tiếp tư liệu gốc, hạn chế trích dẫn theo các tài liệu khác và hạn chế trích dẫn quá nhiều ở một tài liệu. Trong luận án này, về cơ sở lý luận, tác giả trích dẫn quá nhiều TLTK số 23 (Mục Cơ sở lý luận của chương 1, từ trang 8 đến trang 17, tác giả trích dẫn 19 lần TLTK số 23 của tác giả Dương Thị Liễu – Chủ biên (2012) giáo trình văn hóa kinh doanh. Thậm chí trích dẫn theo cả những khái niệm – định nghĩa văn hóa của Unesco, viết về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Vì vậy, mục cơ sở lý luận phải chỉnh sửa, nhất là việc trích dẫn.

7/ Góp ý các thiếu sót về hình thức, nội dung của luận án mà nghiên cứu sinh cần chỉnh sửa, bổ sung

a)      Về hình thức:       

Luận án có nhiều vấn đề về hình thức trình bày. Khá cẩu thả. Ngay việc trình bày trang bìa không đúng quy cách.

Quá nhiều lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật, lỗi cách chữ, cách dòng. Ngay ở mục lục đã rất nhiều lỗi. Ở trang 51, đang ở chương 2 nhưng lại có mục 1.1.3. Mối tương quan, so sánh văn hóa nhận thức…và mục 1.1.4. Giá trị tích cực…

Danh mục viết tắt cũng cần chỉnh sửa. Cụm từ NXB TPHCM là không cần thiết vì đã viết tắt NXB và TP.HCM rồi. Không cần viết tắt chữ UNESCO vì từ này đã quốc tế hóa.

Nên ghi rõ: Người Hoa ở Sóc Trăng cho thống nhất toàn luận án. Không nên ghi người Hoa Sóc Trăng.

Thậm chí tên đề tài cũng cần thêm chữ “ở” trong cụm từ người Hoa tỉnh Sóc Trăng mới rõ ràng, khoa học. Vì người Hoa Sóc Trăng, người Khmer Vĩnh Long…là văn nói.

b)      Về nội dung:

Phần mở đầu:

Nên tách riêng một mục Mục tiêu nghiên cứu (không nên để cùng mục câu hỏi nghiên cứu).

Cần bổ sung giả thuyết nghiên cứu.

Về mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát là nhận diện, khái quát những đặc trưng văn hóa kinh doanh của người Hoa. Đặc trưng là những sự khác biệt, muốn đi tìm đặc trưng phải có sự so sánh. Đối với luận án này, phản biện thấy cần so sánh với hoạt động kinh doanh của các dân tộc cộng cư, cận cư: đó là văn hóa kinh doanh của người Kinh, của người Khmer ở Sóc Trăng và so sánh văn hóa kinh doanh của người Hoa ở Sóc Trăng với người Hoa ở các nơi khác ở Miền Tây Nam Bộ và nhất là với văn hóa kinh doanh của người Hoa ở Tp HCM.

Về đối tượng nghiên cứu và đối tượng khảo sát chưa rõ. Mâu thuẫn với phạm vi thời gian nghiên cứu.

Đối tượng khảo sát liên quan đến các đối tượng phỏng vấn, cần cụ thể hơn nữa.

Mục 4. Phạm vi nghiên cứu

            Phạm vi nội dung: Không phải là nghiên cứu những lý thuyết. Lý thuyết chỉ là công cụ nghiên cứu. Phạm vi nội dung nghiên cứu là cần giới thuyết nghiên cứu những thành tố văn hóa nào trong văn hóa kinh doanh của người Hoa ở Sóc Trăng?

            Phạm vi không gian: Cần ghi rõ hơn. Có lẽ là khu vực kinh doanh của người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng gồm những địa điểm nào ở các khu vực đô thị khác nhau (thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ)?

            Phạm vi thời gian từ năm 1986 đến nay là một thời gian khá dài. Trong Luận án chưa thể hiện rõ. Cần có thời gian khảo sát đồng đại và đưa ra số liệu định lượng là từ năm nào đến năm nào? Có thể là 5 năm trở lại đây?

Chương 1.

Nên bỏ các khái niệm về văn hóa ở trang 8. Các khái niệm này NCS lại không trích dẫn trực tiếp mà lại dẫn theo công trình của của tác giả Dương Thị Liễu – Chủ biên (2012) giáo trình văn hóa kinh doanh là không hợp lý.

Toàn bộ khái niệm văn hóa kinh doanh đều lấy của tác giả Dương Thị Liễu (TLTK số 23). Cơ sở lý luận của chương 1, từ trang 8 đến trang 17, tác giả trích dẫn 19 lần TLTK số 23 của tác giả Dương Thị Liễu – Chủ biên (2012) giáo trình văn hóa kinh doanh. Thậm chí trích dẫn theo cả những khái niệm – định nghĩa văn hóa của Unesco, viết về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Vì vậy, mục cơ sở lý luận phải chỉnh sửa, nhất là việc trích dẫn. Vì vậy, toàn bộ mục cơ sở lý luận cần viết lại.

 

Xem lại cách phân chia các cấu trúc văn hóa ở trang 10: Về cách phân chia thứ ba: Theo quan điểm của Trần Ngọc Thêm, cấu trúc văn hóa kinh doanh gồm 3 thành tố văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức và văn hóa ứng xử.

Quan điểm trên của Trần Ngọc Thêm là cấu trúc văn hóa nói chung. NCS có thể vận dụng vào việc phân chia các thành tố trong văn hóa kinh doanh, không phải đó là Trần Ngọc Thêm phân chia cấu trúc văn hóa kinh doanh.

Việc dùng các từ: văn hóa tổ chức kinh doanh, văn hóa ứng xử kinh doanh đều cần thêm chữ “trong”: Văn hóa tổ chức trong hoạt động kinh doanh, Văn hóa ứng xử trong kinh doanh…để tránh khẩu ngữ.

Chương 2: Văn hóa nhận thức và văn hóa tổ chức kinh doanh của người Hoa tỉnh Sóc Trăng

Tên chương cần chỉnh sửa thêm chữ ở trước chữ Sóc Trăng: Văn hóa nhận thức và văn hóa tổ chức trong hoạt động kinh doanh của người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng.

            Mục 2.1. Văn hóa nhận thức

Trong phát triển kinh tế luôn có 2 lĩnh vực quan trọng là sản xuất và kinh doanh.    Một đặc trưng rất cơ bản của người Hoa ở Việt Nam là đa số cư trú ở thành thị và làm nghề buôn bán – kinh doanh. Và điều tất yếu của kinh doanh hay buôn bán là lợi nhuận, là kiếm tiền.

Cũng cần làm rõ, trước năm 1986, tại sao Nhà nước XHCN nói chung, không khuyến khích kinh doanh buôn bán. Những người làm nghề buôn bán đều được coi là thành phần không tốt trong xã hội, coi họ là người không làm ra của cải vật chất mà chỉ mua đi bán lại (bị coi là con buôn). Còn ngày nay, vai trò vị trí của kinh doanh, buôn bán như thế nào?

NCS ghi, tóm lại, về tổng thể, người Hoa Sóc Trăng rất coi trọng vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghề kinh doanh, buôn bán. Câu này nghe có vẻ gượng gạo vì đó là lẽ đương nhiên.

Mục 2.1.2. Triết lý kinh doanh. (tr41) Đây là mục chính, quan trọng nhất của luận án nhưng tác giả viết còn khá sơ sài. Chẳng hạn mục 2.1.2.3. Tín ngưỡng trong kinh doanh. Đây là mục lẽ ra rất hay, rất hấp dẫn nên cần nghiên cứu chi tiết hơn nữa về các tục thờ cúng liên quan đến Thần Tài, Ông Địa và các nghi lễ thờ cúng ở các Chùa của người Hoa.

Mục 1.1.3 (tr. 51) thực ra là mục 2.1.4.khi so sánh văn hóa kinh doanh của người Hoa với người Việt, cần nhấn mạnh vào lịch sử hình thành và quá trình phát triển nghề kinh doanh, buôn bán của người Hoa và người Việt sẽ thấy sự khác biệt rất lớn nếu không muốn nói là nghề kinh doanh buôn bán của người Việt chịu ảnh hưởng rất lớn của người Hoa, kể cả văn hóa tín ngưỡng trong buôn bán.

Mục 1.1.4.2. Những bất cập. Nội dung mục này chưa sâu, chưa kỹ.

Mục 2.2.1.3. Tổ chức kinh doanh loại hình doanh nghiệp.

Tác giả có đưa ra các số liệu báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng về số lượng các doanh nghiệp của người Hoa, nhưng đây lại chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất như sản xuất bánh Pía, Lạp xưởng, Mè Láo. Nhưng đây là đề tài về văn hóa kinh doanh nên cần tách doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, thương mại.

Mục 2.2.2. Phương thức tổ chức quản trị nhân sự trong kinh doanh.

Nội dung mục này còn chung chung. Cần tách ra giữa kinh doanh hộ gia đình và doanh nghiệp thương mại.

Chương 3. Văn hóa ứng xử

Mặc dù ứng xử với môi trường tự nhiên là yếu tố phụ của Luận án nhưng vẫn nên chia làm 2 mục: Ứng xử với môi trường tự nhiên và ứng xử với môi trường xã hội theo cấu trúc. Mục 3.1. Ứng xử với môi trường tự nhiên, 3.2. là ứng xử với môi trường xã hội. Sau đó mới chia nhỏ các nội dung ứng xử với môi trường xã hội ra thành các mục nhỏ.

Như vậy: Mục 3.3. Sẽ là mục so sánh, luận bàn sự tương đồng và khác biệt giữa văn hóa kinh doanh của người Hoa với người Kinh.

 

Một nội dung cần bổ sung để so sánh là văn hóa kinh doanh của người Hoa với các địa phương khác, đặc biệt là người Hoa ở Tp HCM, so sánh văn hóa kinh doanh giữa người Hoa ở đô thị lớn và nhỏ để tìm ra sự khác biệt. Một yếu tố rất cần là làm rõ nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt giữa văn hóa kinh doanh của người Hoa với người Kinh. Vì dù sao, văn hóa người Kinh chịu ảnh hưởng rất lớn, là sự học hỏi nghệ thuật kinh doanh của người Hoa.

Về mục Kết luận

Những vấn đề được tác giả nghiên cứu với mục đích nhận diện được văn hóa kinh doanh của người Hoa ở Sóc Trăng nhưng trong phần kết luận chưa đạt tới.

Người Hoa ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Sóc Trăng chủ yếu làm nghề kinh doanh, buôn bán và có trình độ cao về nghề này đến mức có thể nói là nghệ thuật kinh doanh mà người Việt cần học hỏi. Mặc dù họ tự nhận thức được họ là Dân Ngoại Kiều, được xếp vào 1 trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhưng họ luôn có sự khéo léo trong văn hóa ứng xử với môi trường xã hội tốt để tạo ra môi trường mưu sinh thuận lợi trong bất cứ hoàn cảnh nào và đặc biệt là văn hóa kinh doanh của người Hoa như “buôn có bạn, bán có phường”, cưu mang giúp đỡ nhau lúc khó khăn trong kinh doanh, ứng xử với môi trường xã hội luôn hài hòa, có một chuẩn mực nhất định. Đó là những nội dung mà NCS cần đi sâu giải mã bằng các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu đã đề ra.

 

8/ Kết luận:

Luận án cơ bản đáp ứng yêu cầu của một luận án tiến sĩ nhưng cần phải chỉnh sửa, bổ sung khá nhiều cả về nội dung và hình thức.

Đáp ứng yêu cầu đề thông qua Hội đồng bảo vệ cấp cơ sở.

Câu hỏi:

1.      Có mối quan hệ kinh doanh, buôn bán giữa người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng và người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh không?

2.      Hiện nay ở Sóc Trăng có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán? (trừ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa).

 

Trà Vinh, ngày    10    tháng 5  năm 2024

Người nhận xét

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

Phan Quốc Anh

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn